THÔNG TIN TÀI KHOẢN


6 loại khung sườn xe mô tô phổ biến nhất

Mỗi thiết kế khung sườn xe đều có mục đích sử dụng và tính năng khác nhau, sau đây là 6 loại khung sườn xe mô tô phổ biến nhất hiện nay.

6 loại khung sườn xe mô tô phổ biến nhất

Khung sườn trên xe mô tô có vai trò vô cùng quan trọng vì đây là bộ phận nâng đỡ động cơ và để gắn cảc thiết bị điện. Vì vậy, khung xe yêu cầu phải có đủ độ bền, độ cứng để chịu tải (người lái, người ngồi sau, hành lý), chấn động từ quá trình sử dụng, và phải phù hợp với mục đích sử dụng.

Khung sườn xe được chế tạo với nhiều kiểu cấu trúc hình học, đặc tính lý học và chất liệu vô cùng đa dạng, tương ứng với sự phong phú về giá thành cũng như chủng loại xe mô tô. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự đa dạng của những chiếc xe mô tô, công nghệ phần cứng như khung sườn của những chiếc xe mô tô cũng phát triển đa dạng không kém.

1. Khung thép tấm cổ điển (backbone).

Chiếc YA-2 năm 1957 với khung xe backbone

Đây là dạng khung lâu đời nhất, xuất hiện vào thời kỳ đầu của ngành công nghiệp xe máy. Khung có cấu tạo gồm hai miếng thép được hàn với nhau để tạo thành một tấm dạng ống rỗng làm trục đỡ chính. Động cơ của xe sẽ không được đặt vào trong khung mà được gá vào khung xe và gắp sau, tạo thành kết cấu của chiếc xe.

2. Khung ống thép đơn (single cradle).

Yamaha SR400 – một mẫu xe cổ điển với khung sườn ống thép đơn

Với thiết kế khung sườn loại này, toàn bộ phần lốc máy sẽ được kết nối và đỡ bởi một trục nằm ngang lớn hình ống trụ, có đường kính từ 8 – 12cm. Trong một số trường hợp, phần ống trụ lớn này có thể được đặc chế để trở thành khoang chứa xăng của xe.

3. Khung ống thép đôi (double cradle)

Khung sườn ống thép đôi trên chiếc xe đua YDS-1 (1959)

Đây là loại khung xe thường được dùng cho các xe mô tô có dáng cổ điển hoặc những mẫu xe yêu cầu sự gọn nhẹ tối đa. Khung được cấu tạo bởi hai trục ống thép kép và được hàn uốn tạo khung chia đều lực ra hai bánh trước và sau để đỡ lốc máy nằm ở giữa cho động cơ của xe mô tô.

4. Khung kim cương (Diamond)

Khung kim cương trên YZF-R3

Đây là loại khung sườn phổ biến hàng đầu hiện nay đối với các dòng xe phân khối lớn. Khung sườn này gồm hai dằm thép lớn quấn quanh động cơ để kết nối phần cổ lái với gắp sau trong khoảng cách ngắn nhất để mang lại độ cứng tốt nhất. Các tấm thép thường được ép bằng thép hoặc nhôm. Chính vì đặc tính cấu tạo như trên mà loại khung sườn này mang rất nhiều tên gọi, như Twin Spar, Perimeter hay Beam.

Khung sườn deltabox lừng danh của Yamaha cũng sử dụng chính nguyên lý này. Phần khung sườn được đúc bằng nhôm liền khối. Bên trên khung sườn có các vị trí treo máy. Điểm nổi bật chính là phần kết nối giữa khung sườn và chảng ba đã được kéo dài hơn, tạo một không gian tiếp xúc lớn hơn với chảng ba để đem lại độ ổn định tốt hơn.

5. Khung lưới mắt cáo (Trellis)

Khung lưới mắt cáo cũng sử dụng nguyên lý tương tự như khung kim cương, nhưng sử dụng các ống thép ngắn được hàn lại với nhau để tạo thành lưới hình mắt cáo thay vì cả tấm kim loại, tạo ra độ thẩm mỹ cao hơn cho xe.

Yamaha TRX 850 (1997) với khung sườn mắt cáo đẹp mắt

6. Khung thép nguyên khối (monocoque)

Yamaha Type E – mẫu xe đua địa hình chạy điện với khung thép nguyên khối

Khung thép nguyên khối nổi tiếng trong thế giới MotoGP hơn là các xe thương mại vì kết cấu cực kỳ đặc biệt. Khung thép nguyên khối có thể được xem như là kết cấu toàn bộ phần thân của chiếc xe, là nơi treo không chỉ động cơ mà gần tất cả các trang bị chi tiết của xe.

Nếu bạn quan tâm đến mẫu xe Yamaha R15 V4 , bạn có thể tham khảo thông tin về Yamaha R15 V4 giá bao nhiêu tại các đại lý Yamaha hoặc trên trang web chính thức của hãng để biết thêm chi tiết.

Tác giả: KT

Đăng ký lái thử
Kết nối với chúng tôi