THÔNG TIN TÀI KHOẢN


Nghệ thuật sơn thủ công tại xưởng sơn Yamaha

Đi tìm nguyên nhân khiến Yamaha vẫn duy trì hoạt động sơn thủ công ngay tại những xưởng sơn công nghiệp hiện đại nhất của mình.

thích
210 lượt xem

Các robot sơn của Yamaha được chế tạo với hai cánh tay; tay phải cầm súng phun trong khi bên trái giữ sản phẩm, cả hai tay được lập trình để di chuyển vô cùng khéo léo và cẩn thận. Tại các xưởng sơn của Yamaha tại Nhật Bản, kỹ thuật sơn do các người thợ lành nghề nắm giữ bao đời qua đang được robot ngày ngày tái hiện một cách chính xác theo quy trình gần như hoàn toàn tự động. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kỹ năng của người thợ hay tiêu chuẩn thẩm mỹ khắt khe của họ sẽ dần mai một.

Mặc dù công nghệ đã thay đổi mọi công đoạn, nhưng tại mỗi xưởng sơn, vẫn luôn có một khu vực nhỏ dành cho hoạt động sơn bằng tay. Vì sao Yamaha lại duy trì hoạt động và đào tạo này trong khi máy móc đã ngày càng hiện đại? Câu trả lời đến từ chính khu vực đặc biệt này.

Hạt sơn trải đều như cá bơi trên nước

Sơn dùng trên xe mô tô là một hỗn hợp sơn pha trộn với các hạt kim loại nhỏ li ti, tạo độ sáng và chiều sâu đặc biệt, giúp các đường nét trên xe thêm nổi bật. Các xe của Yamaha thường được sơn màu Xanh thẫm Metallic C (màu xanh của Yamaha Racing) và Xám nhám Metallic 3 (màu xám Night Fluo). Nhờ có màu sơn tô điểm mà phần khung xe càng thêm khỏe khoắn với ánh kim loại, mang lại vẻ bề ngoài và cảm giác hoàn thiện của một sản phẩm cao cấp.

Một người thợ cho biết: “Khi chúng tôi tiến hành hơn, cảm giác như những hạt kim loại nhỏ đang bơi một cách ngẫu hứng chậm rãi trên bề mặt sản phẩm”.

Để bề mặt sơn được tươi sáng, các hạt kim loại phải được dàn trải ngay ngắn và đồng đều trên toàn bộ sản phẩm. Nếu các hạt này phân tán không đều, lớp sơn hoàn thiện sẽ trở nên sẫm màu và phẳng lỳ. Sử dụng các thao tác vuốt và điểu khiển cổ tay mượt mà, linh hoạt thay đổi góc độ và tần suất của súng sơn, người thợ sẽ đều đặn thả những “chú cá” kim loại nhỏ bé “bơi” theo từng lớp.

Làm thế nào để biết lớp sơn như vậy đã đạt yêu cầu hay chưa? “Chỉ có những người thợ lành nghề mới nhận ra được”, anh chia sẻ. Sau khi về đến tay khách hàng, những chiếc xe Yamaha sẽ khoác lên một lớp ngoài đầy kiêu hãnh và rực rỡ.

Truyền lại cảm quan của người thợ cho robot

Những người thợ vẫn làm việc ở khu vực của mình trong xưởng sơn. Công việc của họ là sơn mẫu các sản phẩm sẽ được sản xuất hàng loạt, cũng như sơn các chi tiết đang phát triển. Trong khi các robot tiến hành sơn hàng loạt, thì những công việc yêu cầu phối hợp với các nhà thiết kế hay hoàn thiện các thông số kỹ thuật sơn vẫn phải được thực hiện bởi những người thợ, một truyền thống từ xưa đến nay.

Các robot thoăn thoắt lặp đi lặp lại các thao tác như đã lập trình, nhưng không phải bởi các chuyên gia vi tính mà bởi chính những người thợ sơn lành nghề của Yamaha. “Chúng tôi không sơn bằng câu lệnh. Chúng tôi sử dụng các giác quan đã được mài giũa theo năm tháng”, một người thợ cho biết. “Chỉ những người thợ rèn luyện nhiều năm mới có thể nhận ra mức độ lắng hay độ bám của sơn qua ánh mắt”. Họ đã truyền dạy cho robot chính những cảm quan sâu sắc nhất của mình.

“Giám định”: Cảm quan của một họa sĩ bậc thầy

Tại xưởng sơn của Yamaha, lớp sơn hoàn thiện sẽ được kiểm tra, hay còn gọi là “giám định”. Một người thợ cho biết: “Công việc này đòi hỏi bạn phải gắn bó với súng sơn trong nhiều năm”, vì các sản phẩm sau khi thông qua sẽ được gửi đến tay khách hàng. Đây vừa là một trách nhiệm nặng nề, vừa là một niềm tự hào, nên chỉ có những người thợ giàu kinh nghiệm nhất mới được đảm nhận.

Tuy nhiên, tại sao Yamaha vẫn tiến hành sơn bằng tay này và tiếp tục phát triển những kỹ năng này? Có nhiều nguyên nhân. Ví dụ như một loại sơn thường được sản xuất và đánh giá bằng cách phun thử bằng tay, trong khi nếu sử dụng robot thì các sắc thái tinh tế của màu sơn cũng như kết cấu sơn sẽ có sự thay đổi đôi chút. Vì vậy, cách duy nhất để xác định chất lượng thực sự và tiềm năng của một loại sơn là tiến hành phun bằng tay. Ngoài ra, nhà máy Iwata tại Nhật Bản đóng vai trò là “khuôn mẫu” cho chỉ tiêu kỹ thuật trên khắp thế giới và hầu hết việc sơn vẫn được thực hiện bằng tay ở các chi nhánh ở nước ngoài.

“Đào tạo những người thợ tương lai trên thế giới là một sứ mệnh quan trọng khác của nhà máy Iwata, trụ sở chính của Yamaha, và nhiệm vụ này được giao phó cho các người thợ lành nghề Nhật Bản”.

Lớp sơn rực rỡ trên chiếc xe SR400 phiên bản giới hạn kỷ niêm 40 năm cũng là tác phẩm của những người thợ này. Một thợ sơn thừa nhận: “Chúng tôi thực sự có thể khiến robot sơn một bức tranh hội họa. Nhưng đó không phải là một bức họa đích thực. Chừng nào mà Yamaha vẫn là công ty coi trọng sự hoàn hảo trong thiết kế và tự hào về lớp sơn của mình, tôi chắc chắn rằng kỹ năng của người thợ sẽ còn cần thiết và việc truyền lại những kỹ năng này là một truyền thống không bao giờ kết thúc.”

Kết nối với chúng tôi